preload

KPI là gì?

20/04/2024

- Wiki GetFly CRM
9,812 lượt xem

KPI là gì?

Hỏi: KPI là gì?

Trả lời:

Như chúng ta đã biết KPI là chữ viết tắt của Key Performance Indicator (Chỉ số hiệu suất chủ chốt), cụ thể là:

 - Key (Chủ chốt): Chỉ số này phải quan trọng cho doanh nghiệp, phòng ban, nhóm hay cá nhân. Không có gì là quan trọng nếu như tất cả mọi thứ đều quan trọng, do đó số lượng chỉ số KPI gắn cho một đối tượng không cần nhiều.
 - Performance (Hiệu suất): Nó cần phản ánh hiệu suất, ví dụ “Số lượng xe tải/mỗi tài xế” là thước đo thông thường, nó không phản ánh hiệu suất, với số lượng xe tải gấp đôi không có gì đảm bảo doanh nghiệp sẽ có thêm lợi nhuận. Chỉ số KPI có thể “trực tiếp phản ánh hiệu suất” ở kết quả cuối cùng, nhưng cũng có thể là chỉ số “dẫn dắt hiệu suất”, nó giúp tiên đoán kết quả cuối cùng. Mời đọc thêm bài Chỉ số KPI “trước” (sơ cấp) và “sau” (thứ cấp) - Ứng dụng trong thẻ điểm cân bằng để hiểu thêm về chỉ số “trực tiếp phản ảnh hiệu suất” và chỉ số “dẫn dắt hiệu suất”.
 - Indicator (Chỉ số): Nó cần được lượng hóa. Doanh nghiệp cần có dữ liệu và trích xuất từ đó ra chỉ số KPI. Ở ví dụ xác định chỉ số KPI liên quan tới “Sự hài lòng của khách hàng” ở trên, chỉ số KPI có thể là tỷ lệ giữa “Điểm trung bình” với 2 tính theo %.

Như vậy có thể thấy chỉ số KPI là thước đo, nhưng không phải thước đo nào cũng là chỉ số KPI.

KPI có tính liên kết và phân cấp

Để hiện thực hóa mục tiêu của doanh nghiệp, các chỉ số KPI được gắn tới công ty, phòng ban/bộ phận và cá nhân, các chỉ số KPI của cấp phòng ban hỗ trợ cho KPI của cấp công ty. Chẳng hạn để đạt được chỉ tiêu KPI “Sự hài lòng của khách hàng >=80%” (Theo cách đo đạc ở trên), bộ phận “Kiểm tra chất lượng” có thể có chỉ tiêu KPI “Không có sản phẩm bị trả về trong vòng 30 ngày kể từ khi xuất xưởng”, bộ phận “Hỗ trợ qua điện thoại” có thể có chỉ tiêu “95% khách hàng được trả lời kết quả trong vòng 24 tiếng”, bộ phận “Giải quyết khiếu nại” có thể có chỉ tiêu KPI “100% khiếu nại xác định được nguyên nhân và giải quyết trong vòng 1 tuần”. Đây là ví dụ cho thấy KPI của ba đơn vị cấp dưới hỗ trợ cho KPI của doanh nghiệp.

Phân biệt KPI với thước đo

Vậy làm thế nào để phân biệt chỉ số KPI với thước đo? Giả thiết rằng chúng ta đã có một thước đo và chúng ta muốn biết xem nó có phải chỉ số KPI hay không, đơn giản bạn hãy trả lời câu hỏi “Liệu bạn có sẵn sàng trả một khoản chi phí, công sức đáng kể để con số này tăng (hay giảm) hai lần hay không?”, nếu câu trả lời là “không” thì nó chỉ là thước đo, không phải là chỉ số KPI, do đó cùng một thước đo, có trường hợp nó là chỉ số KPI, có trường hợp không phải chỉ số KPI.

KPI gắn liền với chiến lược, mục tiêu của doanh nghiệp

Với chiến lược và mục tiêu khác nhau, KPI của các doanh nghiệp cùng ngành sẽ khác nhau. Chẳng hạn nếu doanh nghiệp muốn “Mở rộng thị phần”, chỉ số KPI có thể là “Tăng trưởng doanh thu thêm 30% trong năm 2015”, nhưng nếu doanh nghiệp cần “Tối đa hóa lợi nhuận” khi thị trường đã bão hòa thì chỉ số KPI có thể là “Cắt giảm chi phí 10% so với năm 2014”.

Trong nhiều trường hợp, hai doanh nghiệp cùng ngành có cùng chiến lược, nhưng do sự khác nhau về con người, dây chuyền thiết bị,... mà chỉ số KPI của các phòng ban, bộ phận, cá nhân khác nhau. Điều này có nghĩa là KPI cần được xây dựng riêng cho từng doanh nghiệp, không nên sao chép chỉ số KPI từ công ty này sang cho công ty khác.

KPI có tính thời điểm, trong nhiều trường hợp khi chiến lược của doanh nghiệp thay đổi, các chỉ số KPI sẽ thay đổi theo để phù hợp với chiến lược mới.

Ví dụ cụ thể về việc KPI gắn liền với chiến lược và mục tiêu của doanh nghiệp như sau: thước đo “Chi phí trung bình để có được một khách hàng mới” có phải là chỉ số KPI hay không? Câu trả lời là còn tùy vào chiến lược của doanh nghiệp. Giả thiết là chi phí tìm kiếm khách hàng của doanh nghiệp tương đối cao so với tổng chi phí, đội ngũ marketing của bạn có một cách khác để có được số lượng khách hàng tương ứng với chi phí chỉ còn 1/10 thì đây chắc hẳn là một chỉ số KPI tốt, ngược lại, nếu như chi phí tìm kiếm khách hàng mới hiện đã tương đối thấp, việc giảm chi phí này xuống còn 1/10 không quan trọng bằng làm thế nào để tăng giá trị trung bình của đơn hàng thì đây không phải là chỉ số KPI.

KPI hay bị lạm dụng trong doanh nghiệp, mọi người thường gọi bất kỳ thước đo nào bằng số liệu là KPI. Trong hầu hết các trường hợp mà chúng ta nghe thấy câu “KPI không làm việc được trong doanh nghiệp tôi” là kết quả của chúng thực chất là thước đo (Còn gọi là chỉ số thông thường).

Tại sao chúng ta cần chỉ số KPI

Lợi ích của KPI là mang lại cho đội ngũ quản lý các thông tin có ý nghĩa để đưa ra quyết định tốt hơn, ví dụ như với chỉ số KPI “Chi phí trung bình để có được một khách hàng mới” giúp:

 - Xây dựng một chiến lược thu hút khách hàng tiềm năng tốt hơn, chẳng hạn công ty sẽ đưa ra một mức giá rẻ hoặc miễn phí đối với các dịch vụ cơ bản, nhưng sẽ lấy doanh thu chủ yếu từ dịch vụ khác đi kèm.
 - Nó giúp chúng ta xác định giá hay chiết khấu tối đa cho sản phẩm.
 - Giúp xác định phương pháp, kênh tiếp thị thích hợp nhất cho sản phẩm.

Một số ứng viên cho chỉ số KPI

- Giá trị trung bình của 1 đơn hàng.
- Tỷ lệ giữa khách hàng thực tế/khách hàng tiềm năng mà marketing có được.
- Tỷ lệ khách hàng quay lại sử dụng dịch vụ.
- Chi phí trung bình để có một khách hàng mới.

Thực tế tại Việt Nam

Trong quá trình làm việc với một số khách hàng tại Việt Nam, chúng tôi có gặp một số quan niệm chưa đúng của doanh nghiệp về KPI:

 - Nhầm lẫn KPI với thước đo, không gắn chỉ số KPI với chiến lược của mình dẫn đến có danh sách có quá nhiều chỉ số, như chúng tôi có nêu tại bài “Những ngộ nhận khi thiết lập chỉ tiêu KPI trong doanh nghiệp”, có doanh nghiệp mà số lượng chỉ tiêu KPI của một bộ phận lên tới 80.
 - Muốn sử dụng KPI “may sẵn”: Chúng tôi gặp nhiều câu hỏi “iHCM có bộ thư viện KPI nào của các doanh nghiệp cùng ngành có thể áp dụng được tại công ty chúng tôi hay không?”
 + Như có nhắc tới ở trên, với chiến lược, cơ cấu tổ chức, con người,... khác nhau, chỉ số KPI của các doanh nghiệp là khác nhau, do đó KPI không thể cóp nhặt từ công ty này sang công ty khác, nói cách khác KPI cần “may đo”.
 + Chúng tôi tuân thủ tiêu chuẩn an toàn thông tin ISO 27001, iHCM được thiết để ngay cả quản trị hệ thống của chúng tôi cũng không thể copy được số liệu của khách hàng. Tuy nhiên, chúng tôi có các chuyên gia tư vấn, làm việc với doanh nghiệp để hỗ trợ, hướng dẫn phương pháp xây dựng bộ chỉ số KPI phù hợp nhất cho doanh nghiệp.
- Một số công ty thuê tư vấn xây dựng KPI, tuy nhiên sau khi xây dựng xong hệ thống không vận hành được, các nguyên nhân chính được chính doanh nghiệp nêu ra bao gồm:
 + Trong quá trình thực hiện xây dựng, thiếu sự tham gia của các trưởng bộ phận, các chuyên gia trong nội bộ doanh nghiệp, kết quả là KPI mang tính chủ quan của đơn vị tư vấn, thiếu tính thực tiễn, không đo đạc được.
 + Thời gian xây dựng KPI dài, họp hành nhiều nhưng không có kết luận và quyết định cần thiết từ lãnh đạo, gây ra chán nản trong đội dự án, kết quả là mất thời gian, KPI sinh ra được cất trong ngăn kéo. Nguyên nhân cụ thể là thiếu sự hỗ trợ của lãnh đạo doanh nghiệp.
Nguyên nhân được đúc kết là phương pháp, cách thức thực hiện xây dựng KPI chưa khoa học, để xây dựng được hệ thống KPI cần có sự tham gia của lãnh đạo, trưởng bộ phận (hoặc người có quyền quyết trong bộ phận), chuyên gia đo lường của doanh nghiệp (những người hiểu rõ doanh nghiệp như qui trình sản xuất, bán hàng,...), chuyên gia tư vấn; trong đó cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân trong dự án. Nguyên tắc làm việc cần được xác định ngay từ đầu, tránh việc họp hành nhiều người, trong đó có những cá nhân không liên quan, không có quyết định của buổi làm việc.
- Chỉ quan tâm tới KPI “hái quả”, thiếu KPI “dẫn dắt hiệu suất”: Thông thường những nhà đầu tư chỉ quan tâm tới các chỉ số mang tính “hái quả” như “lợi nhuận”, tuy nhiên với vai trò của nhà quản lý, để đạt được chỉ tiêu của cổ đông là lợi nhuận thì khách hàng phải hài lòng với sản phẩm và dịch vụ của công ty,.... tuy nhiên nhiều doanh nghiệp không coi trọng các chỉ số KPI dẫn dắt hiệu suất mà chỉ quan tâm tới chỉ số kết quả cuối cùng, trên thực tế việc xác định chỉ số dẫn dắt hiệu suất chính là phần khó nhất, quan trọng nhất, cần phải “trồng cây” mới có ngày “hái quả”.

Trải nghiệm giải pháp

quản lý và chăm sóc khách hàng toàn diện cho SMEs Việt

Trải nghiệm thử

Hotline 24/7: (024) 6262 7662