BỨC TRANH TOÀN CẢNH CỦA "KINH DOANH NHỎ" TRƯỚC BIẾN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG
Trong những năm gần đây, cụm từ “hộ kinh doanh” hay “SME” đã không còn xa lạ trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Họ là những tiệm spa nhỏ, những hàng quán online, các shop thời trang - những cái tên chiếm tới 97% số lượng doanh nghiệp và đóng góp gần một nửa GDP cả nước. Thế nhưng, sau giai đoạn bùng nổ hậu Covid-19, nhóm doanh nghiệp này đang rơi vào một chu kỳ co hẹp, khi áp lực từ chính sách, thị trường, và người tiêu dùng đang đồng loạt "siết chặt".
Từ trụ cột kinh tế đến vòng xoáy thách thức mới
Từ đầu năm 2025, hàng loạt quy định thuế mới được ban hành khiến nhóm doanh nghiệp này rơi vào một chu kì co hẹp, có thể kể đến như:
- Siết chặt quản lý thuế với giao dịch chuyển khoản cá nhân
- Tăng cường kiểm soát doanh thu thực tế của hộ kinh doanh
- Mở rộng phạm vi truy thu thuế từ các đơn vị kinh doanh online, livestream bán hàng,…
Không ít người gọi đây là một “cuộc thanh lọc tự nhiên”, khi hàng nghìn hộ kinh doanh lúng túng, chưa kịp thích nghi đã phải rút lui hoặc chuyển sang hình thức kinh doanh không chính thức.
Nhưng sâu xa hơn, thuế không chỉ ảnh hưởng đến hộ kinh doanh. Nó tạo ra hiệu ứng dây chuyền, tác động đến cả chuỗi thị trường - người bán - người tiêu dùng.
Hiệu ứng domino từ một thay đổi nhỏ
Các quy định về thuế, từ việc truy thu giao dịch cá nhân đến kiểm soát chuyển khoản, kê khai thu nhập qua nền tảng TMĐT, không chỉ đặt gánh nặng lên chủ shop, mà còn âm thầm làm thay đổi hành vi mua bán trong toàn xã hội.
Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những tình huống phổ biến hiện nay:
- Khi người bán bị trừ thuế từ các giao dịch chuyển khoản, họ buộc phải cộng thêm phụ phí cho người mua.
→ Giá sản phẩm tăng, khiến người tiêu dùng dè dặt, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát và thu nhập không tăng kịp vật giá. - Có những shop yêu cầu khách “chuyển khoản đừng ghi nội dung mua hàng”, có những nơi khuyên khách “trả tiền mặt để đỡ bị soi”.
→ Niềm tin vào tiểu thương và shop online bị giảm sút, khách hàng tìm đến thương hiệu lớn, nơi niêm yết giá rõ ràng.
Chủ một cửa hàng quần áo tại quận Tân Phú, TP.HCM chia sẻ: “Chúng tôi không muốn gian lận, nhưng nếu kê khai đúng, mỗi sản phẩm lại phải tăng giá 10.000 - 20.000. Với tệp khách hàng thu nhập trung bình, mức đó là quá sức.”
Nhiều người lầm tưởng thuế là “thủ phạm” khiến hộ kinh doanh “đau đầu”
Nhưng trên thực tế, việc siết chặt quản lý thuế chỉ là một trong số vô vàn yếu tố có tác động lớn đến hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ. Bên dưới vốn đã tồn tại cả một hệ sinh thái đầy áp lực đè nén, có thể kể đến như:
- Chi phí đầu vào biến động liên tục, từ nguyên liệu, nhân công đến vận chuyển
- Thị trường cạnh tranh khốc liệt, người bán phải vừa giữ giá, vừa giữ khách hàng
- Người tiêu dùng ngày càng khắt khe với chất lượng, trải nghiệm và dịch vụ
- Công nghệ phát triển nhanh chóng, tạo ra khoảng cách giữa doanh nghiệp hiện đại và nhóm kinh doanh nhỏ lẻ chưa kịp thích nghi
Cùng một lúc, hộ kinh doanh và SMEs đang đứng trước 03 rào cản lớn:
→ Không dễ số hóa:
Nhiều chủ doanh nghiệp xuất thân từ tay nghề - rất thông thạo về sản phẩm nhưng còn yếu ở năng lực quản trị. Họ có xu hướng "sợ công nghệ", ngại thay đổi và hầu hết chưa được đào tạo bài bản về vận hành. Khi chính sách thay đổi, họ loay hoay giữa các bảng tính Excel, tin nhắn và hóa đơn giấy. Việc kê khai minh bạch đồng nghĩa với… mất đi một phần lợi nhuận từng sống nhờ vào “chính sách linh hoạt”.
→ Không dễ mở rộng:
Khi dòng tiền bị siết, nguồn vốn khó tiếp cận và chi phí vận hành tăng. các doanh nghiệp nhỏ muốn lớn cũng không dễ. Họ vốn đã không thể cạnh tranh với các chuỗi lớn về giá, lại càng không thể so bì về chính sách vận hành bài bản, hậu mãi, hay dịch vụ khách hàng.
→ Không dễ giữ chân khách hàng:
Người tiêu dùng ngày càng khó tính, đặc biệt ở thế hệ trẻ. Họ luôn đòi hỏi tính minh bạch, cơ chế bảo hành tốt, phản hồi nhanh, trải nghiệm trơn tru từ khi tư vấn đến sau bán. Nếu vẫn vận hành theo kiểu “gọi điện - chốt tay - ghi sổ”, sẽ rất khó để xây dựng tệp khách hàng trung thành dài hạn.
Thuế không phải kẻ thù, mà là phép thử để sàng lọc và chuẩn hóa
Nếu nhìn một cách toàn diện, các chính sách siết thuế, siết dòng tiền không đơn thuần là “gánh nặng vô lý”, bởi phía sau hệ thống kinh doanh nhỏ lẻ cũng tồn tại nhiều lỗ hổng khiến thị trường mất kiểm soát.
Hàng giả, hàng nhái, kinh doanh không hóa đơn, lách thuế có hệ thống… đã từng khiến không ít người tiêu dùng mất niềm tin khi mua sắm online hoặc giao dịch cá nhân. Không ít trường hợp khách hàng mua phải sản phẩm kém chất lượng nhưng không có cơ sở pháp lý để khiếu nại. Đó là hệ quả của một hệ sinh thái vận hành dựa trên niềm tin cá nhân và thiếu chuẩn hóa.
Ở góc độ quản lý, việc Nhà nước siết chặt thuế cũng có thể hiểu là một nỗ lực để tái lập lại trật tự, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, và minh bạch hóa các hoạt động kinh doanh đã tăng trưởng mạnh nhờ nền tảng số.
Vì vậy, trong một hệ sinh thái mà người tiêu dùng ngày càng thông minh, thị trường ngày càng phức tạp và công nghệ liên tục thay đổi, câu hỏi đặt ra không phải là “Làm sao để né tránh?”, mà là “Doanh nghiệp nhỏ sẽ chọn cách nào để thích nghi?”
BÀI VIẾT NỔI BẬT
03/07/2025
- Blog02/07/2025
- Blog02/07/2025
- Blog02/07/2025
- BlogHÀNH TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA SHYNH GROUP: TỐI ƯU QUY TRÌNH VẬN HÀNH VỚI GETFLY CRM

